So sánh hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự theo quy định pháp luật năm 2025

Từ việc nghiên cứu các vấn đề cơ bản của hợp đồng thương mại và đặt trong mối tương quan với hợp đồng dân sự, ta có thể thấy hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự đều là những giao dịch có bản chất dân sự do đó về nguyên tắc, nội dung, hình thức thì chúng đều có nét tương đồng và đều chịu sự điều chỉnh chung của Bộ luật Dân sự 2015. Về cơ bản, sự khác biệt giữa hai loại hợp đồng này mấu chốt nằm ở hành vi nhằm mục đích sinh lời. Trên cơ sở của hành vi này trước hết xác định mục đích tạo lập của hợp đồng thương mại là vì mục đích lợi nhuận theo đó trong hợp đồng thương mại phải có ít nhất một chủ thể là thương nhân hay một bên thực hiện một hành vi thương mại, Điều này hoàn toàn khác với hợp đồng dân sự là các giao dịch phát sinh trong giao lưu thường ngày mà bất kỳ thể nhân, pháp nhân nào đều có thể tham gia tạo lập vì thỏa mãn lợi ích của mình.

So sánh hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự

Điểm giống nhau hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự

Thứ nhất, hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự đều là những giao dịch có bản chất là dân sự, trên cơ sở là sự thỏa thuận thống nhất ý chí làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên nhằm đạt được mục đích mong muốn theo các nội dung cụ thể của giao dịch. Cùng với đó, cả hai loại hợp đồng này đều được xác lập trên các nguyên tắc của chế định hợp đồng như nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận; Nguyên tắc bình đẳng; Nguyên tắc thiện chí, trung thực; Nguyên tắc áp dụng tập quán, thói quen ứng xử,…

Thứ hai, hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự đều hướng đến các lợi ích chung, lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia. Điều này cũng bởi chúng đều được xác lập trên cơ sở tự do thống nhất ý chí tạo lập ra các mối quan hệ pháp luật nhất định.

Thứ ba, nội dung của hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự đều có các điều khoản tương tự nhau. Điều này cũng bởi pháp luật dân sự và pháp luật thương mại đều là các luật tư điều chỉnh các mối quan hệ tư dân sự trong đó pháp luật thương mại là luật chuyên ngành của pháp luật dân sự nên để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật có thể thấy trong Luật Thương mại 2005 không có quy định cụ thể về các điều khoản trong hợp đồng thương mại. Theo đó cả hình thức và nội dung của hợp đồng dân sự lẫn hợp đồng thương mại đều phải tuân theo các quy định trong Bộ luật Dân sự. Căn cứ theo Điều 398 Bộ luật Dân sự 2015 thì trong hợp đồng có thể có các nội dung sau đây: Đối tượng của hợp đồng; Số lượng, chất lượng; Giá, phương thức thanh toán; Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; Quyền, nghĩa vụ của các bên; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Phương thức giải quyết tranh chấp.

Thứ tư, hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự đều có thể giao kết bằng các hình thức như lời nói, hành vi, văn bản hay phương thức điện tử,…

Điểm khác nhau giữa hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự

Về luật áp dụng, hợp đồng dân sự chịu sự điều chỉnh trực tiếp của Bộ luật Dân sự 2015 còn hợp đồng thương mại chịu sự điều chỉnh của cả Bộ luật Dân sự 2015 với Luật Thương mại 2005 trong đó ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành là Luật Thương mại và chỉ khi Luật Thương mại không quy định hoặc quy định không rõ ràng thì mới áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự.

Về chủ thể, trong hợp đồng dân sự bất kỳ cá nhân, tổ chức (kể cả có hay không có tư cách pháp nhân) nào chỉ cần có đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự đều có thể là chủ thể của hợp đồng dân sự. Còn đối với hợp đồng thương mại, ít nhất phải có một bên là thương nhân. Ảnh hưởng của hoạt động thương mại đối với nền kinh tế – xã hội cũng có sự khác biệt so với các giao dịch dân sự. Do vậy, sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động thương mại cũng có những điểm khác biệt. Một trong những yêu cầu thể hiện sự quản lý của Nhà nước là quy định về điều kiện chủ thể tham gia hoạt động thương mại là tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại phải đăng ký kinh doanh với tư cách thương nhân. Lý do có sự khác biệt này là vì, để thực hiện hoạt động thương mại thì chủ thể hợp đồng cần đáp ứng những yêu cầu nhất định về vốn, về tư cách pháp lý, về một số yêu cầu điều kiện mang tính nghề nghiệp để triển khai hoạt động thương mại thường xuyên, độc lập trên thị trường.

Về mục đích của hợp đồng, hợp đồng dân sự được thiết lập với mục tiêu thỏa thuận các giao dịch dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, mục đích dân sự, như vậy đối tượng của hợp đồng dân sự sẽ rộng hơn. Đó có thể là hợp đồng vay vốn, thuê nhà, hợp đồng cho thuê tài sản… Nhìn chung, mục đích hướng tới của hợp đồng dân sự là mục đích tiêu dùng, có thể sinh lời hoặc không. Trong khi đó, hợp đồng thương mại thường hướng tới mục đích vì lợi nhuận, điều này cũng xuất từ mục đích hoạt động thương mại của các thương nhân suy cho cùng đều là vì mục đích lợi nhuận.

Về đối tượng, trong hợp đồng dân sự đặt ra khái niệm về “tài sản” còn trong hợp đồng thương mại thì đó là “hàng hóa”. Sự khác biệt này là vì giao dịch trong dân sự rất rộng, trong đó vấn đề tài sản giao dịch được đặt ra bao gồm cả bất động sản trong khi khái niệm về “hàng hóa” hẹp hơn bởi luật thương mại không điều chỉnh việc mua bán động sản, cụ thể là đất đai.

Về phạm vi giao kết, hợp đồng dân sự có phạm vi rộng bao gồm tất cả các vấn đề của đời sống tư dân sự còn hợp đồng thương mại khá hẹp khi chỉ giới hạn trong 14 loại hành vi thương mại, bó hẹp thành các hình vi mua – bán hàng hóa và các dịch vụ thương mại liên quan đến mua bán hàng hóa.

Về hình thức giao kết, hợp đồng dân sự được giao kết thông qua lời nói, hành vi, văn bản. Đa phần là bằng miệng nhiều hơn thông qua sự tín nhiệm, giao dịch đơn giản, có tính phổ thông và giá trị thấp bởi nó thường được thực hiện thông dụng trong các hoạt động sinh hoạt đời thường. Hợp đồng thương mại mặc dù cũng được giao kết thông qua các hình thức như lời nói, hành vi, văn bản nhưng văn bản là hình thức giao kết thông dụng nhất đặc biệt là có những loại hợp đồng thương mại pháp luật bắt buộc phải giao kết bằng văn bản.

Về một số điều khoản của hợp đồng: Một số điều khoản của hợp đồng thương mại có nhưng hợp đồng dân sự không có như: Điều khoản vận chuyển hàng hóa; điều khoản bảo hiểm;…

Về giải quyết tranh chấp, đối với hợp đồng dân sự, các bên chỉ có thể giải quyết tại tòa án có thẩm quyền còn đối với hợp đồng thương mại, ngoài tòa án thì các bên có thể giải quyết thông qua trọng tài thương mại tùy theo sự lựa chọn của các bên.

Về phạt vi phạm, hợp đồng dân sự thường là các hợp đồng thông dụng và có giá trị không lớn do đó Bộ luật Dân sự không quy định mức phạt vi phạm cụ thể mà cho các bên tự thỏa thuận. Còn hợp đồng thương mại, Luật Thương mại 2005 quy định mức trần phạt vi phạm là 8% phần giá trị hợp đồng, điều này cũng bởi các hợp đồng thương mại thường có giá trị rất lớn nên giá trị 8% tính ra cũng không phải con số nhỏ và theo các nhà làm luật Việt Nam thì như vậy cũng đủ răn đe.

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Suntrust để được tư vấn và hỗ trợ.

Related Posts

Leave a Reply

Facebook Zalo Hotline