Trong thực tiễn dân sự, không ít trường hợp các bên lập hợp đồng nhằm che giấu một giao dịch khác hoặc vì mục đích trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba. Những hợp đồng như vậy thường bị coi là hợp đồng vô hiệu do giả tạo – một trong những trường hợp phổ biến khiến hợp đồng bị tuyên vô hiệu theo quy định của pháp luật. Vậy hợp đồng giả tạo là gì? Dấu hiệu nhận biết ra sao và hậu quả pháp lý như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ bản chất của loại hợp đồng này cũng như hướng xử lý khi gặp phải tranh chấp liên quan.

Khái niệm hợp đồng vô hiệu theo quy định pháp luật
Theo Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Hợp đồng là một dạng cụ thể của giao dịch dân sự – được định nghĩa tại Điều 116 là hành vi pháp lý (hợp đồng hoặc hành vi đơn phương) làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Như vậy, hợp đồng vô hiệu là hợp đồng không có giá trị pháp lý, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên tham gia. Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự 2015, một hợp đồng bị xem là vô hiệu nếu không đáp ứng đủ các điều kiện có hiệu lực, bao gồm:
- Các chủ thể phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch;
- Việc tham gia giao dịch phải hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Hợp đồng vô hiệu do giả tạo là gì?
Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015, một giao dịch dân sự sẽ bị tuyên bố vô hiệu nếu được xác lập một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác, hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba. Cụ thể:
“Giao dịch dân sự được xác lập giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ khi giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan. Trường hợp thiết lập giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu.”
Điều này cho thấy, hợp đồng giả tạo là sự thỏa thuận không phản ánh đúng ý chí thực sự của các bên tham gia, thường được thiết lập với động cơ che giấu hoặc tránh né trách nhiệm pháp lý, và do đó bị xem là trái pháp luật.
Nhận diện hợp đồng vô hiệu do giả tạo
Có thể xác định hợp đồng giả tạo thông qua một số biểu hiện sau:
Trường hợp 1: Che giấu một giao dịch khác
Trong tình huống này, tồn tại hai hợp đồng song song:
- Hợp đồng bên ngoài (giả tạo) được lập ra để che giấu hợp đồng thật (giao dịch thực sự);
- Hợp đồng bên trong (giao dịch thật) mới là thể hiện đúng ý chí các bên.
Ví dụ: A vay tiền B nhưng không ký hợp đồng vay tài sản. Thay vào đó, hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhằm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Hợp đồng chuyển nhượng này là giả tạo.
Trường hợp 2: Nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba
Hợp đồng được lập ra nhằm hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản để tránh nghĩa vụ pháp lý với bên thứ ba (ví dụ: chủ nợ, nghĩa vụ tài chính, thi hành án…).
Ví dụ: A ký hợp đồng bán nhà cho người thân là B với mục đích ngăn chặn việc xử lý tài sản để thi hành nghĩa vụ trả nợ. Hợp đồng này được xem là giả tạo.
Hệ quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu do giả tạo
Theo Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hậu quả pháp lý khi giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
- Về quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên khi xác định là giao dịch dân sự vô hiệu: không làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
- Về vấn đề khôi phục lại tình trạng ban đầu: Các bên có trách nhiệm khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận khi giao dịch dân sự vô hiệu. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
- Về vấn đề lợi tức, hoa lợi: Bên ngay tình không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức trong việc thu lợi tức, hoa lợi. Như vậy, việc hoàn trả hoặc không hoàn trả số hoa lợi, lợi tức thu được phụ thuộc vào bên nhận tài sản có ngay tình hoặc không ngay tình chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật.
- Về vấn đề bồi thường thiệt hại: Khi giao dịch dân sự vô hiệu mà có thiệt hại xảy ra thì bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp này, khi các bên có yêu cầu giải quyết bồi thường thì Tòa án xác định thiệt hại.
- Về giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu: khi giao dịch dân sự vô hiệu có liên quan đến quyền nhân thân thì căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc luật khác có liên quan quy định.
Hợp đồng vô hiệu do giả tạo là một dạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể dẫn đến những hậu quả lớn về mặt tài sản và pháp lý cho các bên liên quan. Việc nhận diện, đánh giá và xử lý những hợp đồng này đòi hỏi sự am hiểu chuyên sâu về pháp luật dân sự.
Để biết thêm thông tin chi tiết về các thủ tục, dịch vụ vui lòng liên hệ Suntrust để được tư vấn và hỗ trợ.