Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi thông tin cá nhân có thể bị thu thập, khai thác và lan truyền chỉ qua một vài thao tác công nghệ đơn giản, quyền riêng tư ngày càng trở thành một trong những quyền nhân thân thiết yếu cần được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt. Tại Việt Nam, quyền riêng tư đã được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật như Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật chuyên ngành liên quan. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tình trạng xâm phạm quyền riêng tư vẫn diễn ra với mức độ ngày càng tinh vi, gây tổn hại không nhỏ đến danh dự, nhân phẩm, uy tín và đời sống cá nhân của người bị xâm hại. Vì vậy, việc tìm hiểu và làm rõ các chế tài dân sự đối với hành vi xâm phạm quyền riêng tư không chỉ có ý nghĩa lý luận, mà còn mang giá trị thực tiễn trong việc bảo vệ hiệu quả quyền con người trong đời sống dân sự.

Khái niệm quyền riêng tư và hành vi xâm phạm quyền riêng tư
Quyền riêng tư là quyền của cá nhân trong việc bảo vệ các thông tin cá nhân như: hình ảnh, danh dự, nhân phẩm, uy tín, thư tín, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng khác.
Xâm phạm quyền riêng tư là hành vi vi phạm pháp luật mà trong đó một người có các hành vi tiết lộ, phát tán… những thông tin riêng tư của cá nhân khi không được người đó đồng ý trừ trường hợp được phép của luật quy định thì đều là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ chịu trách nhiệm về hành vi đó.
Quy định pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư
Căn cứ theo Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
“Điều 21.
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.“
Đồng thời tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:
“Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.“
Như vậy, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Các hành vi xâm phạm quyền riêng tư phổ biến và chế tài áp dụng theo pháp luật Việt Nam
Các hành vi xâm phạm quyền riêng tư phổ biến
- Thu thập và sử dụng thông tin cá nhân trái phép: Sử dụng thông tin cá nhân như họ tên, số CCCD, số điện thoại, địa chỉ, hình ảnh… cho mục đích quảng cáo, tiếp thị mà không có sự đồng ý.
- Đăng tải hình ảnh, tin nhắn riêng tư lên mạng: Đăng tải thông tin cá nhân nhạy cảm lên mạng xã hội mà không có sự cho phép.
- Ghi âm, ghi hình trái phép tại nơi riêng tư: Gắn camera, ghi âm lén lút trong phòng ở, nhà nghỉ, nhà vệ sinh…
- Giả mạo danh tính, hack tài khoản cá nhân: Truy cập trái phép tài khoản email, mạng xã hội của người khác để lấy thông tin riêng tư.
- Xâm nhập hệ thống thông tin cá nhân: Dùng phần mềm độc hại để lấy dữ liệu cá nhân, thông tin ngân hàng…
Chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền riêng tư
*Hành vi xâm phạm hình ảnh cá nhân
Việc sử dụng hình ảnh của người khác khi chưa có sự đồng ý, dù với mục đích minh họa hay quảng cáo, đều có thể bị xử phạt:
- Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng: Nếu sử dụng hình ảnh của trẻ em dưới 07 tuổi để minh họa trên xuất bản phẩm mà không có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp
(Căn cứ: điểm c khoản 2 Điều 25 Nghị định 119/2020/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng: Khi sử dụng hình ảnh của người khác trên mạng xã hội mà chưa được phép
(Căn cứ: điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng: Trong trường hợp dùng hình ảnh của người khác để phục vụ hoạt động quảng cáo mà không có sự đồng ý
(Căn cứ: điểm b khoản 3 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).
*Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân
Danh dự, nhân phẩm và uy tín là những giá trị cốt lõi được pháp luật bảo vệ. Các hành vi xúc phạm sẽ bị xử lý nghiêm:
- Phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng: Khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ hoặc bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác
(Căn cứ: điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 5 – 20 triệu đồng: Nếu đối tượng bị xúc phạm là thành viên trong gia đình
(Căn cứ: Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). - Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng: Khi tung tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc nhằm xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên môi trường mạng
(Căn cứ: điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
*Xâm phạm thư tín, điện tín
Thư tín, điện tín là những thông tin riêng tư được bảo vệ tuyệt đối bởi pháp luật. Hành vi xâm phạm dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều bị xử phạt:
- Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng: Đối với hành vi phát tán tài liệu, dữ liệu thuộc bí mật đời tư thông qua việc xâm phạm thư tín hoặc điện tín, đặc biệt nếu nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác
(Căn cứ: Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
*Trách nhiệm hình sự đối với các hành vi nghiêm trọng
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, ngoài xử phạt hành chính, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:
- Tội làm nhục người khác (Điều 155): Phạt tù lên đến 5 năm nếu hành vi khiến nạn nhân tự sát hoặc bị rối loạn tâm thần với tỷ lệ tổn thương từ 61% trở lên.
- Tội vu khống (Điều 156): Phạt tù lên đến 7 năm nếu có động cơ đê hèn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng như khiến nạn nhân tự sát hoặc bị tổn thương tinh thần nghiêm trọng.
Tóm lại, trong hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam, quyền riêng tư không chỉ được xác lập như một quyền nhân thân cơ bản mà còn được bảo vệ thông qua các cơ chế chế tài cụ thể khi bị xâm phạm. Các biện pháp như yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, cải chính công khai, xin lỗi và bồi thường thiệt hại đều nhằm mục tiêu khôi phục quyền lợi chính đáng của cá nhân, đồng thời răn đe, ngăn ngừa các hành vi tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, để các quy định này thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thực thi pháp luật, người bị hại và toàn xã hội trong việc nhận diện, tố giác và xử lý kịp thời hành vi xâm phạm. Qua đó, góp phần xây dựng một môi trường pháp lý lành mạnh, nơi quyền riêng tư của mỗi người được tôn trọng và bảo vệ đúng mức.
Để biết thêm thông tin chi tiết về các thủ tục, dịch vụ vui lòng liên hệ Suntrust để được tư vấn và hỗ trợ.