Cầm giữ tài sản được xếp vào các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng bởi đây là biện pháp bảo đảm bên có nghĩa vụ thực hiện đúng và thực hiện đầy đủ các điều khoản quy định trong hợp đồng. Điều này đồng nghĩa với việc nếu bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thì bên cầm giữ có quyền tiếp tục cầm giữ tài sản cho đến khi bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ.

Khái niệm cầm giữ tài sản
Theo Điều 346 Bộ luật Dân sự 2015 đưa ra khái niệm cầm giữ tài sản như sau: ” Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”
Khi bên có quyền cầm giữ tài sản của bên có nghĩa vụ, bên có nghĩa vụ không có khả năng khai thác và hưởng lợi từ tài sản này một cách trọn vẹn. Chính vì vậy mà cầm giữ tài sản tạo được sức ép cho bên có nghĩa vụ: nếu bên có nghĩa vụ muốn khai thác, hưởng lợi một cách đầy đủ tài sản của mình thì họ phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình để bên cầm giữ giao tài sản.
Ví dụ: A là chủ tiệm sửa xe máy, A được phép giữ chiếc xe của khách cho đến khi chủ của chiếc xe thanh toán toàn bộ tiền sửa xe.
Đây không phải là biện pháp bảo đảm mới song đến khi Bộ luật dân sự năm 2015 được ban hành thì biện pháp này mới được chính thức công nhận.
Đặc điểm của cầm giữ tài sản
Thứ nhất, đây là một biện pháp bảo đảm duy nhất trong số các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được áp dụng mà không dựa trên sự thoả thuận của các bên liên quan.
Vì đây là một biện pháp tự vệ trong quan hệ dân sự nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của bên có quyền. Pháp luật là cơ sở trực tiếp phát sinh quyền được cầm giữ tài sản, nếu như trước đó các bên không có thoả thuận thì không áp dụng biện pháp này. Trong khi đó các biện pháp thế chấp, bảo lãnh, cầm cố chỉ áp dụng trong trường hợp các bên có thoả thuận. Chính yếu tố này mà trong các tài liệu pháp luật nước ngoài khi đề cập đến biện pháp này thường sử dụng thuật ngữ “quyền chiếm giữ”. Cầm giữ tài sản là cách thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là quyền được pháp luật quy định của người có quyền trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ. Song đây không là hình thức “xiết nợ” thường gặp trong thực tiễn.
Ví dụ: A mang tivi đến cửa hàng của V để sửa chữa. Hai bên thỏa thuận 4 ngày sau A sẽ đến lấy tivi và trả tiền sửa chữa. Đến thời gian hẹn, A tới cửa hàng của V để lấy tivi nhưng lại chưa có tiền để thanh toán. Trong trường hợp này, V có quyền cầm giữ tài sản của A là chiếc tivi cho đến khi A đến trả hết tiền sửa chữa mặc dù trước đó A và V không hề thỏa thuận về việc này.
Thứ hai, quyền cầm giữ tài sản chỉ được thực hiện nếu đồng thời hội đủ ba yếu tố sau:
- Vật cầm giữ đang được bên có quyền nắm giữ nhưng vật ấy thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ, tức bên cầm giữ có nghĩa vụ phải chuyển giao cho chủ sở hữu (cho bên có nghĩa vụ) hoặc cho bên thứ ba theo chỉ định của chủ sở hữu.
- Nghĩa vụ được bảo đảm phải là nghĩa vụ của người chủ sở hữu vật ấy và nghĩa vụ ấy phải phát sinh trực tiếp từ vật ấy.
- Nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp cầm giữ tài sản chưa được thực hiện bởi người có nghĩa vụ đúng hạn cam kết.
Thứ ba, chiếm giữ tài sản là một biện pháp có những nội dung pháp lý đồng nhất với biện pháp cầm cố.
Vì vậy các quy định về nghĩa vụ bảo quản tài sản trong cầm giữ, xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ chính có thể dẫn chiếu sang các điều luật tương tự trong phần cầm cố.
* Ngoài ra, ta còn nhận thấy cầm giữ còn có một số đặc điểm thường thấy sau:
- Cầm giữ tài sản áp dụng thông dụng trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện các nghĩa vụ của mình trong các quan hệ hợp đồng: vận tải, gia công, thuê, ký gửi, ủy thác, sửa chữa tàu biển…
- Về tài sản được cầm giữ: có một số loại tài sản thường không được phép cầm giữ như một số loại tài sản dễ hư hỏng trong thời gian ngắn, các loại tài sản biến chất theo thời gian, các loại tài sản phục vụ cho các việc cứu người khẩn cấp, công vụ khẩn và đang trên đường thực hiện việc đó.
Xem thêm: Dịch vụ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp
Điều kiện thực hiện quyền cầm giữ tài sản
Từ định nghĩa về quyền cầm giữ tài sản tại Điều 346 Bộ luật Dân sự 2015, có thể thấy quyền cầm giữ tài sản chỉ được thực hiện khi thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện sau đây:
- Tồn tại một quyền đòi nợ: nghĩa vụ làm phát sinh quyền cầm giữ là nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản khi đến hạn không được thực hiện hay thực hiện không đúng theo thỏa thuận;
- Khả năng chiếm giữ tài sản: tài sản cầm giữ thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ đang được bên có quyền chiếm giữ một cách liên tục và hợp pháp;
- Mối liên hệ pháp lý giữa quyền đòi nợ và khả năng chiếm giữ tài sản: nghĩa vụ là căn cứ phát sinh quyền nắm giữ và việc chiếm giữ tài sản phải gắn trực tiếp với quan hệ hợp đồng song vụ.
Đây là điều kiện quan trọng nhất trong số ba điều kiện làm phát sinh quyền cầm giữ tài sản. Về bản chất, cầm giữ tài sản là một biểu hiện cụ thể của quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ dân sự trong hợp đồng song vụ của bên phải thực hiện nghĩa vụ . Mối liên hệ pháp lý này phản ánh một sự phụ thuộc giữa các nghĩa vụ: một quyền đòi nợ (hay nghĩa vụ thanh toán nếu xét từ góc độ người có nghĩa vụ) và một nghĩa vụ giao tài sản, cả hai nghĩa vụ này đều phát sinh từ một hợp đồng. Tuy vậy, bằng việc cầm giữ tài sản mà đáng lẽ phải trao lại cho người có nghĩa vụ, bên có quyền chỉ làm tạm hoãn việc thực hiện nghĩa vụ của mình và đây chính là việc thực hiện quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ dân sự trong hợp đồng song vụ của người có quyền. Tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ dân sự là một ngoại lệ không thực hiện nghĩa vụ theo quy định của BLDS. Trong hợp đồng song vụ, khi các bên đã thỏa thuận thời điểm thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn và việc thực hiện nghĩa vụ trước hay sau là do các bên thoả thuận, nếu không phải thực hiện đồng thời hoặc bên nào thực hiện nghĩa vụ mất nhiều thời gian hơn thì phải thực hiện nghĩa vụ trước.
Hậu quả pháp lý của cầm giữ tài sản
Đối với bên có nghĩa vụ, điểm đặc thù của hệ quả pháp lý của quyền cầm giữ tài sản nằm ở chỗ chế định này trao cho người cầm giữ tài sản một quyền không phải làm một việc nhất định, tức là cho phép người cầm giữ từ chối hoàn trả tài sản đang chiếm giữ.
Cầm giữ tài sản đơn thuần là một cách thức gây áp lực buộc chủ sở hữu tài sản (bên có nghĩa vụ) không được vi phạm các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng đối với bên cầm giữ (bên có quyền). Chính vì vậy, cầm giữ tài sản được coi là một trong các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 350 Bộ luật Dân sự 2015, người có quyền đòi nợ được tiếp tục giữ tài sản cho đến khi bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ, cho dù khoản nợ đã được thanh toán một phần thì người có quyền đòi nợ vẫn được tiếp tục cầm giữ tài sản. Điều này bảo đảm bên có nghĩa vụ không vi phạm các điều khoản trong hợp đồng.
Đối với bên thứ ba, theo quy định của pháp luật Pháp, quyền cầm giữ tài sản có tính đối kháng đối với người thứ ba mua tài sản đang bị cầm giữ, với người thừa kế của người có tài sản bị cầm giữ. Quyền của bên cầm giữ tài sản được đề cao hơn quyền của mọi chủ nợ có bảo đảm hoặc không có bảo đảm khác. Chính vì lý do này mà tại Pháp, các giao dịch bảo đảm làm phát sinh quyền cầm giữ thường được các chủ nợ có bảo đảm ưu tiên sử dụng.
Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Suntrust để được tư vấn và hỗ trợ.