Trong giao dịch dân sự, không phải lúc nào quyền lợi của các bên cũng được bảo đảm tuyệt đối, đặc biệt là đối với người thứ ba ngay tình – người đã xác lập giao dịch ngay tình với chủ thể có quyền sở hữu hoặc chiếm hữu tài sản một cách không hợp pháp. Nhằm cân bằng lợi ích giữa các bên và bảo vệ sự ổn định của quan hệ dân sự, Bộ luật Dân sự Việt Nam đã quy định rõ nguyên tắc bảo vệ người thứ ba ngay tình trong một số trường hợp nhất định. Vậy, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về quyền lợi của người thứ ba ngay tình? Những điều kiện nào để được hưởng sự bảo vệ này? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Khái niệm và đặc điểm người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự
Pháp luật hiện hành không định nghĩa cụ thể thế nào là người thứ ba ngay tình nhưng có thể hiểu người thứ ba ngay tình là người tại thời điểm giao dịch người này không có cơ sở để biết và không buộc phải biết việc tham gia vào giao dịch là không phù hợp với quy định pháp luật. Điều đó có nghĩa là khi tham gia vào giao dịch, người này hoàn toàn tin rằng người giao dịch là người có quyền giao dịch và giao dịch đáp ứng các điều kiện để giao dịch có hiệu lực.
Ý nghĩa của việc bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự
Pháp luật quy định bảo vệ của người thứ ba ngay tình không chỉ đơn thuần là giải quyết các xung đột liên quan đến giao dịch tài sản mà còn mang ý nghĩa pháp lý, xã hội quan trọng. Cụ thể:
Thứ nhất, bảo đảm sự ổn định của các giao dịch dân sự. Trong hệ thống pháp luật hiện đại, sự ổn định và an toàn pháp lý là nguyên tắc tối quan trọng trong các quan hệ dân sự, thương mại. Quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình góp phần duy trì sự tin cậy vào các giao dịch, tránh tình trạng các hợp đồng bị tuyên vô hiệu một cách tùy tiện gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia thiện chí, đồng thời đảm bảo sự lưu thông ổn định của tài sản trong xã hội.
Thứ hai, thể hiện nguyên tắc công bằng và thiện chí. Pháp luật cần bảo vệ những người không có lỗi – những người đã hành xử một cách thiện chí, trung thực và dựa trên các căn cứ hợp pháp khi xác lập giao dịch. Nếu không có quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình, thì họ có thể bị thiệt hại nghiêm trọng do các rủi ro pháp lý mà bản thân không thể biết hoặc kiểm soát, như việc tài sản được chuyển giao bởi người không có quyền, hoặc giao dịch trước đó bị tuyên vô hiệu.
Thứ ba, củng cố niềm tin vào pháp luật và tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội. Một hệ thống pháp luật công bằng, minh bạch và bảo vệ người hành xử đúng pháp luật sẽ tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia giao dịch dân sự, thương mại. Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa tranh chấp mà còn thúc đẩy sự phát triển của thị trường và kinh tế quốc dân nói chung.
Bảo vệ người thứ ba ngay tình theo pháp luật dân sự Việt Nam
Nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người thứ ba ngay tình và sự ổn định trong các giao dịch dân sự, các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ người thứ ba ngay tình được quy định tại Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi khi giao dịch dân sự vô hiệu trong các trường hợp sau:
– Trường hợp thứ 1: Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này (khoản 1 Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015), tức là trừ trường hợp người chiếm hữu ngay tình hay người thứ ba ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản hoặc trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.
Trong trường hợp này pháp luật quy định để người thứ ba được xem là ngay tình thì người thứ ba không có cơ sở để biết mình tham gia vào giao dịch dân sự với người không có quyền định đoạt tài sản hoặc đối tượng tài sản của giao dịch liên quan đến giao dịch trước đó đã bị vô hiệu và người thứ ba có căn cứ tin rằng đối tượng tài sản và chủ thể giao dịch với mình có đủ điều kiện tham gia giao dịch theo quy định của pháp luật. Trường hợp này thường xảy ra đối với những tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu như: xe đạp, laptop, điện thoại di động…
– Trường hợp thứ 2: Tài sản đã đăng ký quyền sở hữu, được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình.
Trong trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như xe ô tô, nhà ở…), nếu sau đó tài sản này được chuyển giao qua một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình, thì giao dịch đó vẫn có hiệu lực, dù giao dịch trước đó bị tuyên vô hiệu. Điều này được quy định tại đoạn 2, khoản 2 Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015.
Trong trường hợp này được hiểu là người thứ ba tham gia giao dịch dân sự đối với tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do đó mặc dù tài sản này là đối tượng giao dịch dân sự trước đó đã bị vô hiệu thì giao dịch dân sự vẫn phát sinh hiệu lực đối với người thứ ba vì người thứ ba đã căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch, trường hợp này người thứ ba được xem là ngay tình và được pháp luật bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp.
Quy định này nhằm tạo ra sự ổn định trong giao dịch các loại tài sản có đăng ký và bảo vệ quyền lợi của người đã dựa vào thông tin công khai từ hệ thống đăng ký nhà nước để xác lập giao dịch.
– Trường hợp thứ ba: Tài sản thuộc diện đăng ký nhưng chưa được đăng ký tại thời điểm giao dịch.
Đối với tài sản phải đăng ký nhưng chưa được đăng ký (ví dụ: nhà đất đang tranh chấp quyền sở hữu, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…), thì giao dịch dân sự với người thứ ba về nguyên tắc sẽ bị vô hiệu. Tuy nhiên, pháp luật vẫn bảo vệ người thứ ba ngay tình nếu họ nhận tài sản thông qua:
- Đấu giá tài sản tại tổ chức có thẩm quyền;
- Giao dịch với người được xác định là chủ sở hữu theo bản án/quyết định có hiệu lực pháp luật, mà sau đó bản án hoặc quyết định đó bị sửa hoặc hủy.
Đây là những trường hợp đặc biệt, nhằm đảm bảo tính ổn định và hiệu lực của các quyết định hành chính, tư pháp đã được thực thi trước khi có sự thay đổi về mặt pháp lý.
Chế định bảo vệ người thứ ba ngay tình là minh chứng cho tinh thần nhân văn và công bằng trong hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam. Quy định này không chỉ góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp về tài sản mà còn giúp duy trì sự ổn định trong các quan hệ pháp luật, thúc đẩy sự lưu thông hàng hóa và củng cố lòng tin của người dân vào pháp luật.
Để biết thêm thông tin chi tiết về các thủ tục, dịch vụ vui lòng liên hệ Suntrust để được tư vấn và hỗ trợ.