Một hợp đồng chỉ có thể xác lập khi có từ hai ý chí trở lên gặp gỡ nhau để đi đến sự bày tỏ và ưng thuận để hướng tới những mục đích nhất định. Tuy nhiên, hợp đồng đó chỉ có giá trị pháp lý khi các bên tham gia giao kết phải có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, chủ thể tham gia giao kết hợp đồng có thể không hướng tới lợi ích về mình mà là cho một chủ thể khác thông qua chế định đại diện.

Chủ thể trong giao kết hợp đồng
Người kết ước, hay chủ thể giao kết hợp đồng là các bên tham gia vào một quan hệ hợp đồng, có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Trong một quan hệ hợp đồng, xuất hiện những cặp chủ thể tương ứng là người có quyền (trái chủ) và người có nghĩa vụ (thụ trái). Một trái chủ có thể có nhiều thụ trái và ngược lại, một thụ trái có thể có nhiều trái chủ. Lưu ý rằng, có những trường hợp “các bên” trong quan hệ hợp đồng mang tính kỹ thuật pháp lý hơn là thực chất, khi mà một người giao kết hợp đồng với chính bản thân mình. Người đó thực hành hai (hoặc nhiều hơn) tư cách pháp lý khác nhau và giao kết hợp đồng giữa các tư cách đó. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, chủ thể tham gia giao kết hợp đồng bao gồm cá nhân, pháp nhân và nhà nước – chủ thể đặc biệt của quan hệ hợp đồng
Chủ thể là cá nhân trong giao kết hợp đồng
Với bản chất hợp đồng là sự thỏa thuận, tự do ý chí, do đó các chủ thể tham gia thỏa thuận cần đáp ứng những điều kiện tiên quyết của chủ thể trong một giao dịch dân sự. Theo đó, nếu chủ thể là cá nhân, cá nhân đó cần có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự (khoản 3 Điều 16 Bộ luật Dân sự 2015) và năng lực hành vi dân sự (Điều 19 Bộ luật Dân sự 2015) phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Trong đó, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự, năng lực hành vi dân sự của cá nhân bao gồm khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Quan trọng hơn cả, các cá nhân trong quan hệ hợp đồng cần tham gia giao dịch dân sự một cách tự nguyện để đảm bảo sự tự do ý chí trong thỏa thuận.
Ngoài các yêu cầu chung đảm bảo năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật dân sự được thể hiện từ Điều 21 đến Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015, đối với các loại hợp đồng cụ thể, các cá nhân phải đảm bảo các yêu cầu riêng biệt để đảm bảo khả năng giao kết hợp đồng. Ví dụ trong hợp đồng vay vốn ngân hàng của cá nhân, bên cạnh đảm bảo các yêu cầu chung về năng lực chủ thể thì cá nhân phải thể hiện được mục đích vay rõ ràng và khả năng trả nợ vay đúng hạn.
Chủ thể là pháp nhân trong giao kết hợp đồng
Đối với chủ thể là pháp nhân, pháp nhân cũng cần có năng lực pháp luật dân sự là khả năng pháp nhận đó có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Khi pháp nhân tham gia giao kết hợp đồng phải thông qua người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó, có thể là người đại diện hợp pháp hoặc người đại diện ủy quyền. Một tổ chức được coi là pháp nhân khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015 gồm:
– Được thành lập hợp pháp theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật chuyên ngành;
– Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật Dân sự 2015;
– Có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
– Nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Các pháp nhân tham gia giao kết hợp đồng phải thông qua người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó. Do đó, chủ thể giao kết hợp đồng của pháp nhân vừa phải đáp ứng điều kiện đối với cá nhân lại phải là người đại diện hợp pháp của tổ chức (hoặc người đại diện theo ủy quyền). Đối với từng loại hợp đồng có các điều kiện khác đối với chủ thể tham gia giao kết thì các chủ thể cũng phải đáp ứng các điều kiện đó như điều kiện về chuyên môn, khả năng lao động,…
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương trong giao kết hợp đồng
Ngoài hai chủ thể chính được ghi nhận là cá nhân và pháp nhân, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là chủ thể đặc biệt trong quan hệ dân sự được quy định tại Chương V, căn cứ theo Điều 97 Bộ luật Dân sự 2015: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương khi tham gia quan hệ dân sự thì bình đẳng với các chủ thể khác và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 99 và Điều 100 của Bộ luật này”, đây là một quy định mới trong Bộ luật Dân sự 2015. Có thể thấy, khi tham gia giao kết hợp đồng trong lĩnh vực tư, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng “bình đẳng với các chủ thể khác”.
Tương tự như pháp nhân, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương trong quan hệ dân sự không thể tự mình xác lập các giao dịch dân sự mà phải thông qua cơ chế đại diện được quy định tại Điều 98 Bộ luật Dân sự 2015 “Việc đại diện cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương tham gia quan hệ dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan nhà nước. Việc đại diện thông qua cá nhân, pháp nhân khác chỉ được thực hiện trong các trường hợp và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chịu trách nhiệm nghĩa vụ dân sự bằng tài sản mà mình là chủ sở hữu và thống nhất quản lý nhưng không chịu trách nhiệm dân sự đối với pháp nhân mà mình thành lập bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước trừ trường hợp bảo lãnh cho nghĩa vụ dân sự của pháp nhân này theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Điều 100 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về trách nhiệm Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương về nghĩa vụ dân sự mà mình xác lập với Nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài, đây là quy định đã đi quá xa so với truyền thống về quyền miễn trừ trong tư pháp quốc tế.
Xem thêm: Thủ tục Bảo hộ nhãn hiệu của Suntrust
Đại diện trong giao kết hợp đồng
Bản chất hợp đồng là sự thống nhất ý chí để làm phát sinh nên một hậu quả pháp lý, theo đó, ý chí của các bên biểu lộ về cơ bản sẽ do chính bản thân mình xác lập và thực hiện. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, vì một số yếu tố khách quan, sự biểu lộ ý chí là không đổi nhưng họ không thể tự mình tham gia xác lập nó để đi đến sự thống nhất, điều này đặt ra sự xuất hiện của người thứ ba “đại diện”, “thay họ”, “vì lợi ích của họ” làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ cho họ. Vì vậy, vấn đề đại diện được đặt ra, có thể nói “đại diện là chế định có chức năng trợ giúp xã hội, là một trong những thành quả của trí tuệ pháp lý của loài người, mang tính nhân văn, nhân đạo”.
Căn cứ khoản 1 Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Có thể thấy, về bản chất, đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện. Do đó, các giao dịch dân sự được người đại diện thực hiện phù hợp với phạm vi đại diện sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với người được đại diện. Tuy nhiên, việc đại diện này không phải tùy nghi mà phải tuân theo quy định của pháp luật đặc biệt trường hợp pháp luật quy định cá nhân phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch thì họ không được để người khác đại diện cho mình.
Theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, có hai hình thức đại diện là đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền (Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015).
Đại diện theo pháp luật là trường hợp quyền đại diện được xác lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. Đại diện theo pháp luật đối với cá nhân thường là nhóm người yếu thế – người không có (hoặc khó có) khả năng tự thực hiện hành vi để hưởng quyền, không có (hoặc khó có) khả năng để tự bảo vệ, họ có thể là trẻ em – người không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; người mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bệnh tật hoặc có khuyết tật hoặc là bên không có (hoặc khó có) sự bình đẳng so với chủ thể khác. Còn đại điện đối với pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân trong thời hạn và phạm vi đại diện nhất định.
Đại diện theo ủy quyền là trường hợp quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện. Theo đó, các cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Pháp luật hiện hành quy định, đối với cá nhân thì từ đủ 15 tuổi đã có thể trở thành người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ 18 tuổi trở lên xác lập, thực hiện. Riêng đối với các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, do các thành viên có quyền ngang nhau trong xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nên chỉ có thể được đại diện theo ủy quyền bởi cá nhân, pháp nhân khác để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên. Thông thường, quyền đại diện phát sinh bởi ý chí của người được đại diện bằng việc xác lập thông qua hợp đồng ủy quyền.
Trong quan hệ pháp luật hợp đồng, đại diện trong giao kết hợp đồng là sự chuyển dịch sự biểu lộ ý chí của chủ thể được đại diện sang cho người được đại diện để tham gia xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ với bên thứ ba vì lợi ích của người được đại diện. Để đại diện có hiệu lực thì cần đáp ứng các điều kiện:
Thứ nhất, người đại diện phải có thẩm quyền đại diện, thẩm quyền này được xác định trên cơ sở của pháp luật (đại diện theo pháp luật) hoặc theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
Thứ hai, người đại diện phải có ý chí đại diện, về bản chất, đại diện là sự biểu lộ ý chí thay cho người được đại diện đối với người thứ ba để tạo lập cho họ một quan hệ pháp lý trong giao kết hợp đồng do đó người đại diện phải có ý chí đại diện nếu không kết quả của sự giao kết chỉ có hiệu lực đối với người đại diện và ý chí đại diện của người đại diện không phải nằm trong giới hạn thẩm quyền đại diện;
Thứ ba, người đại diện phải có ý chí tiến hành giao dịch, xét cho cùng, người đại diện không chỉ là trung gian để chuyển yêu cầu của người được đại diện mà chính họ là người tham gia, là một bên trong quá trình giao kết hợp đồng (đặc biệt là các chủ thể đại diện theo pháp luật của pháp nhân). Khi tham gia vào mối quan hệ giao kết hợp đồng với tư cách là người đại diện đồng nghĩa rằng người được đại diện đã chấp nhận sự ràng buộc của mình vào những hậu quả pháp lý mà người được đại diện thực hiện trong phạm vi thẩm quyền đại diện. Theo đó, nếu người đại diện không có ý chí giao kết thì đồng nghĩa với việc giữa người thứ ba và người được đại diện sẽ không tồn tại hoặc có thể không tiến tới giao kết một hợp đồng như người được đại diện mong muốn.
Như vậy trên cơ sở của nguyên tắc tự do ý chí, một người có thể tự mình biểu lộ ý chí hoặc có thể biểu lộ ý chí thông qua một người khác làm “đại diện”. Từ đó, tạo ra sự tồn tại hai mối quan hệ song song, ràng buộc lẫn nhau về mặt pháp lý là quan hệ giữa người đại diện và người được đại diện, và quan hệ giữa người đại diện với người thứ ba. Thẩm quyền đại diện để xác lập hợp đồng có thể xác định trên cơ sở rõ ràng, ngầm định hoặc bề ngoài. Hợp đồng được giao kết bởi cá nhân không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện có thể bị vô hiệu. Bên cạnh đó, sự vượt quá phạm vi của sự đại diện, không chỉ người đại diện phải gánh chịu các hậu quả pháp lý bất lợi mà họ gây ra mà của người được đại diện cũng phải gánh chịu các nghĩa vụ được người đại diện xác lập với người thứ ba ngay tình.
Để biết thêm thông tin chi tiết về các thủ tục, dịch vụ vui lòng liên hệ Suntrust để được tư vấn và hỗ trợ.