Trong những năm gần đây, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong các lĩnh vực có giá trị thương mại cao như mỹ phẩm, thời trang, trang sức và hàng tiêu dùng nhanh. Hành vi xâm phạm thường thể hiện qua việc làm giả nhãn hiệu, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp,… gây thiệt hại nghiêm trọng cho chủ thể quyền và làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng. Dù đã có quy định pháp luật cụ thể tại Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), song việc phát hiện và xử lý các vụ việc vẫn gặp nhiều khó khăn do đặc thù kỹ thuật, tính tinh vi trong thủ đoạn làm giả, làm nhái các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.


Hôm nay, ngày 08/05/2025, Luật sư Suntrust không quản ngại đường xa đã có mặt tham gia phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” tại TAND thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang sau phiên tạm hoãn ngày 22/04/2025.
Với tư cách là đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu của nhãn hiệu bị làm giả của một thương hiệu thời trang, trang sức nổi tiếng đến từ Pháp, Luật sư Suntrust đã có trình bày, lập luận trước Hội đồng xét xử chứng minh hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của bị cáo là có thật, có tổ chức và gây hậu quả nghiêm trọng về vật chất cũng như uy tín của chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm. Thực tế rằng, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của bị cáo không chỉ là hành vi trái pháp luật mà còn xâm hại trực tiếp đến môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo tiền lệ xấu cho các chủ thể kinh doanh không trung thực. Do đó, việc xét xử nghiêm minh các vụ án như thế này là điều cần thiết nhằm răn đe, phòng ngừa chung, đồng thời góp phần khẳng định vai trò bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam.
Phiên tòa kết thúc với phán quyết dành cho bị cáo của Hội đồng xét xử về cơ bản là công minh, chính xác đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Xem thêm: Dịch vụ về thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Suntrust