Nguyên tắc lãnh thổ trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nguyên tắc cơ bản và quan trọng trong hệ thống pháp luật quốc tế cũng như pháp luật quốc gia. Theo nguyên tắc này, quyền sở hữu trí tuệ chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ quốc gia nơi quyền đó được xác lập hoặc được công nhận. Việc hiểu rõ nguyên tắc lãnh thổ không chỉ giúp các chủ thể quyền nâng cao hiệu quả bảo vệ tài sản trí tuệ của mình mà còn góp phần bảo đảm sự tuân thủ pháp luật khi khai thác và sử dụng quyền sở hữu trí tuệ ở phạm vi xuyên biên giới. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, nhận thức đúng về nguyên tắc này là điều kiện tiên quyết để các cá nhân, tổ chức kinh doanh có thể chủ động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trên thị trường quốc tế.

Nguyên tắc lãnh thổ trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Nguyên tắc lãnh thổ xuất hiện ở mọi phương diện của đời sống được pháp điển hóa thành các quy phạm pháp luật, mà ở đó ghi nhận, bảo đảm thực thi quyền và nghĩa vụ của các chủ thể. Điều này là dễ hiểu bởi gốc gác của nguyên tắc lãnh thổ là độc lập, tự chủ, tự quyết của từng quốc gia.
Tương tự như vậy, nguyên tắc lãnh thổ trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng thể hiện thông qua những đặc điểm sau:
i) Nguyên tắc lãnh thổ trong bảo hộ quyền SHTT là quan điểm chỉ đạo phải được bảo đảm thực hiện xuyên suốt từ việc đăng ký/ghi nhận đến khi hiệu lực bảo hộ chấm dứt quyền SHTT bởi các chủ thể liên quan;
ii) Nguyên tắc lãnh thổ là sự giới hạn phạm vi địa lý quyền SHTT ở trong quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể;
iii) Quyền SHTT thể vượt khỏi phạm vi quốc gia sở tại khi và chỉ khi được các quốc gia khác đồng thuận.
Như vậy, có thể hiểu “nguyên tắc lãnh thổ trong bảo hộ quyền SHTT” là quan điểm chỉ đạo về quyền SHTT giới hạn trong phạm vi lãnh thổ nhất được ghi nhận (dưới hình thức các văn bản pháp luật) và thực hiện xuyên suốt từ khi xác lập đến khi chấm dứt quyền SHTT. Nguyên tắc này tương ứng với tính chất bị giới hạn về lãnh thổ của quyền SHTT.
Tại sao có nguyên tắc lãnh thổ trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ?
i) Gốc gác của nguyên tắc này xuất phát từ sự độc lập, tự chủ, tự quyết của các quốc gia. Luật pháp được ban hành về lý thuyết có thể mở rộng không gian ngoài quốc gia, nhưng thực tiễn áp dụng chỉ ở trong lãnh thổ quốc gia đó bởi việc mở rộng đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền của quốc gia khác;
ii) Vấn đề quản lý, quyền SHTT được xem là toàn vẹn khi ghi nhận và có cơ chế bảo vệ quyền. Trong quá trình khai thác kinh tế quyền SHTT sẽ không tránh khỏi các hành vi xâm phạm. Giả sử có xuất hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT vượt ra khỏi quốc gia thì việc xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết, pháp luật quốc gia nào được áp dụng để xử lý là điều rất khó. Hay nói cách khác, quyền phải gắn chặt với cơ chế bảo vệ quyền, mà cơ chế đó có phạm vi tốt nhất là trong lãnh thổ quốc gia.
Các biểu hiện của nguyên tắc lãnh thổ trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Nguyên tắc lãnh thổ trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thể hiện rõ qua việc quyền sở hữu trí tuệ chỉ có hiệu lực pháp lý trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia (hoặc vùng lãnh thổ) nơi quyền đó được xác lập và công nhận. Một số biểu hiện cụ thể như sau:
Quyền sở hữu trí tuệ chỉ được bảo hộ tại quốc gia nơi đã đăng ký hoặc được công nhận
Quyền SHTT (ví dụ: sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp…) chỉ được bảo vệ tại quốc gia mà cá nhân/tổ chức đã tiến hành đăng ký hợp lệ theo quy định pháp luật nước đó.
Nếu chủ sở hữu không đăng ký quyền tại một quốc gia nhất định, thì quyền đó không có giá trị pháp lý tại quốc gia đó và không thể yêu cầu cơ quan nhà nước can thiệp khi có hành vi xâm phạm.
Ví dụ, một doanh nghiệp Việt Nam đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam nhưng không đăng ký tại Lào. Khi có một doanh nghiệp Lào sử dụng nhãn hiệu gây nhầm lẫn, doanh nghiệp Việt Nam không thể khởi kiện hoặc yêu cầu xử lý nếu không có đăng ký tại Lào.
Không có sự tự động mở rộng hiệu lực bảo hộ ra các quốc gia khác
Dù quyền SHTT có thể được công nhận rộng rãi trên thế giới, nhưng việc bảo hộ vẫn không tự động áp dụng từ một quốc gia này sang quốc gia khác. Muốn được bảo hộ ở nhiều quốc gia, chủ thể quyền cần đăng ký riêng tại từng nước hoặc sử dụng các cơ chế quốc tế hỗ trợ đăng ký.
Một sáng chế được cấp bằng tại Mỹ không đồng nghĩa sẽ được bảo hộ tại Việt Nam trừ khi được nộp đơn và thẩm định theo quy định pháp luật Việt Nam.
Mỗi quốc gia có tiêu chuẩn và thủ tục riêng về việc xác lập và bảo hộ quyền SHTT
Do tính lãnh thổ, mỗi quốc gia có quyền tự xây dựng hệ thống pháp luật riêng để xác lập quyền SHTT.
Điều này dẫn đến sự khác biệt về điều kiện bảo hộ, thời hạn bảo hộ, thủ tục đăng ký, phạm vi quyền…
Ví dụ: Một kiểu dáng công nghiệp được coi là mới ở Nhật Bản có thể không đủ điều kiện để được bảo hộ ở châu Âu nếu đã bị công bố công khai trước đó.
Việc thực thi quyền mang tính lãnh thổ
Quyền bảo hộ không chỉ giới hạn về hiệu lực pháp lý, mà cả cơ chế thực thi (xử lý vi phạm) cũng phụ thuộc vào từng quốc gia. Người bị xâm phạm quyền chỉ có thể yêu cầu xử lý hoặc khởi kiện tại nơi quyền đã được bảo hộ.
Đối với quyền tác giả, nguyên tắc lãnh thổ có tính linh hoạt hơn
Nhờ các điều ước quốc tế như Công ước Bern, quyền tác giả không cần đăng ký vẫn được bảo hộ tự động tại các quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, hiệu lực bảo hộ và biện pháp thực thi vẫn bị giới hạn bởi luật của từng quốc gia, cho thấy nguyên tắc lãnh thổ vẫn được áp dụng.
Xem thêm: Thủ tục Bảo hộ nhãn hiệu của Suntrust
Yêu cầu mở rộng nguyên tắc lãnh thổ trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Các vấn đề phát sinh khi áp dụng nguyên tắc
Khi bối cảnh thế giới đang bắt đầu đa dạng hóa, hội nhập sâu rộng, các hoạt động thương mại quốc tế diễn ra sôi nổi, khoa học công nghệ ngày một tiến bộ kéo theo nhu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ một cách nhanh chóng, chính xác, bảo đảm lợi ích tối đa cho chủ sở hữu. Nguyên tắc lãnh thổ trong bảo hộ quyền SHTT phát sinh những vấn đề như sau:
i) Yêu cầu đăng ký bảo hộ quyền SHTT một cách nhanh chóng đến từng quốc gia mà chủ sở hữu hoạt động kinh doanh;
ii) Cần có một giải pháp chung để thu hẹp những điểm khác biệt của các quốc gia trên thế giới về vấn đề quyền SHTT tạo môi trường chung thuận lợi cho việc khai thác tài sản trí tuệ;
iii) Cần có một cơ chế chung để bảo vệ quyền SHTT trên phạm vi khu vực, quốc tế.
Giải pháp mở rộng nguyên tắc
Đứng trước những đòi hỏi chính đáng và cấp thiết đó, các quốc gia đã cùng nhau tạo nên một hệ thống như sau:
i) Các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ điển hình như: Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp; Hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT); Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu và Nghị định thư Madrid (Hệ thống Madrid); Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật; Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng; … và các hiệp định khu vực như: Hiệp định khung ASEAN về hợp tác sở hữu trí tuệ; Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (các quy định về sở hữu trí tuệ);…;
ii) Thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) – là tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc thành lập theo Công ước ký tại Xtôckhôm ngày 14/7/1967, có hiệu lực từ năm 1970. Nhiệm vụ chính là thúc đẩy việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như bằng sáng chế, phát minh, quyền tác giả… trên phạm vi toàn thế giới, bảo đảm sự hợp tác về mặt hành chính giữa các liên minh được thành lập trên cơ sở các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ; kết hợp hài hoà luật pháp của các quốc gia trên lĩnh vực sở hữu trí tuệ; quản lý các hiệp hội chuyên môn về sở hữu trí tuệ.
Hệ thống này giúp việc đăng ký bảo hộ/ghi nhận quyền SHTT trở nên dễ dàng với nguyên lý là thay vì đăng ký quyền SHTT tại từng quốc gia, thông qua hệ thống chung chủ đơn chỉ cần đăng ký tại quốc gia sở tại chỉ định tới các quốc gia khác là thành viên của hệ thống thì đơn đăng ký sẽ được ghi nhận như khi đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia khác.
Ở phạm vi lợi ích rộng hơn, WIPO còn thúc đẩy các quốc gia phát triển chuyển giao các công nghệ tiến bộ tới các nước đang phát triển nhằm mục tiêu phát triển chung của nhân loại.
Thực tiễn áp dụng nguyên tắc lãnh thổ trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam
Hiện nay,Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nhanh chóng, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài (đặc biệt về công nghệ) nên cần có một cơ chế hữu hiệu để khai thác nguồn lực tri thức to lớn này. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành đã áp dụng nguyên tắc thông qua việc quy định rõ về phạm vi bảo hộ quyền SHTT như sau:
i) Khoản 1 Điều 53 Luật Sở hữu trí tuệ quy định hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan:
“1. Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.”
ii) Khoản 1 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về hiệu lực của văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp:
“1. Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.”
iii) Khoản 1 Điều 169 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về hiệu lực của văn bằng bảo hộ giống cây trồng:
“1. Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.”
Việc mở rộng nguyên tắc lãnh thổ trong bảo hộ quyền SHTT được thể hiện thông qua việc Việt Nam là thành viên của các điều ước quốc tế, hiệp định quốc tế về lĩnh vực sở hữu trí tuệ như: Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp; Hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT); Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu và Nghị định thư Madrid (Hệ thống Madrid); Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật; Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng; … (xem thêm tại đây)
Nguyên tắc lãnh thổ là một đặc điểm cơ bản và xuyên suốt trong hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới. Nguyên tắc này phản ánh rõ tính chất pháp lý của quyền sở hữu trí tuệ — đó là quyền do pháp luật từng quốc gia xác lập và bảo vệ. Dù trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, nguyên tắc lãnh thổ vẫn giữ vai trò trung tâm trong việc định hình chiến lược bảo hộ và thực thi quyền SHTT của các cá nhân, tổ chức.
Tuy nhiên, chính tính chất lãnh thổ cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với chủ thể quyền, đặc biệt là trong việc mở rộng thị trường, chống xâm phạm xuyên biên giới và tận dụng giá trị tài sản trí tuệ một cách hiệu quả. Do đó, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, các chủ thể quyền cần có chiến lược đăng ký và bảo hộ phù hợp tại các quốc gia hoặc khu vực có liên quan, đồng thời tận dụng các cơ chế quốc tế như Hệ thống Madrid, Hiệp ước PCT hay sự hỗ trợ của WIPO nhằm vượt qua giới hạn về mặt lãnh thổ.
Để biết thêm thông tin chi tiết về các thủ tục, dịch vụ vui lòng liên hệ Suntrust để được tư vấn và hỗ trợ.