Trong hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, nguyên tắc cân bằng lợi ích đóng vai trò như một nền tảng bảo đảm sự hài hòa giữa các bên liên quan – từ chủ thể quyền, người sử dụng đến lợi ích công cộng. Sự bảo hộ tuyệt đối đối với quyền sở hữu trí tuệ có thể trở thành rào cản cho sáng tạo và tiếp cận tri thức; trong khi bảo hộ lỏng lẻo lại làm suy giảm động lực đổi mới. Vì vậy, việc thiết lập một cơ chế pháp lý công bằng, hợp lý, bảo vệ quyền nhưng không tạo ra độc quyền tuyệt đối là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh kinh tế tri thức hiện nay. Bài viết này sẽ phân tích nguyên tắc cân bằng lợi ích dưới góc độ lý luận và thực tiễn, từ đó làm rõ vai trò của nó trong việc duy trì trật tự pháp lý và thúc đẩy phát triển bền vững trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Định nghĩa về quyền sở hữu trí tuệ
“Quyền sở hữu” hay “quyền sở hữu trí tuệ” (quyền SHTT) xuất phát từ nhu cầu bảo vệ thành quả lao động hay việc kế thừa từ một sự kiện pháp lý. Quyền sở hữu theo nghĩa rộng (bao gồm quyền SHTT) là quyền đối với tài sản. Quyền SHTT là quyền đối với tài sản trí tuệ (TSTT).
Hiện này vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất thế nào là TSTT nhưng có thể nắm được bản chất thông những đặc điểm sau:
i) Tài sản trí tuệ là loại tài sản do lao động trí óc tạo thành được kết tinh và định hình dưới một dạng vật chất nhất định hoặc dấu hiệu đặc biệt được trí óc tư duy, tổng hợp, duy trì. Ví dụ, một cuốn sách được xem là TSTT bởi nội dung, được thể hiện dưới dạng ngôn ngữ; công thức pha chế nước ngọt là TSTT bởi cách kết hợp các nguyên liệu, được thể hiện qua mùi vị; nước mắm Phú Quốc được sản xuất bởi nguồn nguyên liệu, quy trình đặc thù;…;
ii) Tài sản trí tuệ là tài sản vô hình. Chính cách thức hình thành độc đáo đã tạo nên sự vô hình đó. Chúng ta không thể chỉ dùng năm giác quan để nhận biết TSTT đang tồn tại mà phải cần thêm hoạt động tư duy để làm được điều đó;
iii) Tài sản trí tuệ có thể cùng lúc sử dụng ở nhiều địa điểm khác nhau. Một người dân Mỹ và Anh nào đó có thể cùng lúc chơi một trò chơi thịnh hành tại đất nước của họ, ở Nga hay Việt Nam cùng lúc xem buổi biểu diễn ba lê nổi tiếng,…
Đặc điểm của quyền sở hữu trí tuệ
i) Khách thể của quyền SHTT là TSTT;
ii) Quyền SHTT dễ bị xâm hại vì tính chất vô hình và sử dụng cùng lúc;
iii) Quyền SHTT là quyền bị giới hạn, không phải là quyền tuyệt đối;
iv) Quyền SHTT chứa đựng khía cạnh thương mại.
Cấu thành của quyền sở hữu trí tuệ
* Cấu trúc nội dung của quyền SHTT mang điểm chung với quyền sở hữu và đồng thời có những nét đặc thù. Quyền sở hữu được cấu thành bởi quyền chiếm hữu, quyền định đoạt và quyền sử dụng được quy định trong Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 (BLDS 2015), như sau:
- Quyền chiếm hữu là chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình;
- Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản;
- Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, giá trị kinh tế của tài sản (tự khai thác hoặc cho phép chủ thế khác khai thác)
Ngoài ra, Chương XII BLDS 2015 quy định mới là trạng thái chiếm hữu tài sản – được hiểu là việc nắm giữ, chi phối tài sản của mình hoặc chủ thể khác. Ví dụ, một người đang nghe điện thoại thì việc giữ và nghe điện thoại là trạng thái chiếm hữu tài sản khiến người khác nhìn vào tự động coi đấy là tài sản của người đang nắm giữ.
Quyền SHTT cũng có cấu tạo nội dung bởi quyền chiếm hữu, quyền định đoạt và quyền sử dụng. Nhưng có điểm khác là bởi TSTT mang đặc điểm vô hình khiến quyền chiếm hữu cần phải được nhà nước công nhận, công bố; tùy các lĩnh vực khác nhau trong quyền SHTT mà quyền chiếm hữu lại biểu hiện khác nhau. Tình trạng chiếm hữu tài sản cũng không tồn tại đối với TSTT bởi đặc điểm cùng sử dụng một thời điểm.
* Cấu trúc lĩnh vực của quyền SHTT được cấu thành bởi hai nhóm quyền cơ bản là:
- Quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả;
- Quyền sở hữu công nghiệp;
iii) Ngoài ra, ở nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) còn ghi nhận thêm quyền đối với giống cây trồng.
Nguyên tắc cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Định nghĩa về nguyên tắc cân bằng lợi ích
Để hiểu rõ nguyên tắc này, ta cần làm rõ một số thuật ngữ quan trọng sau:
i) Nguyên tắc là hệ thống quan điểm phải đảm bảo tuân theo.
ii) Cân bằng lợi ích được hiểu là quyền lợi của chủ thể này không xâm phạm hoặc thậm chí nâng cao quyền lợi của chủ thể khác.
- Bảo hộ quyền SHTT được hiểu là cơ chế công nhận và bảo vệ quyền SHTT không bị xâm phạm.
Như vậy, có thể hiểu “nguyên tắc cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ” là hệ thống quan điểm phải tuân theo được luật pháp hóa thành các quy định cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu TSTT và hỗ trợ các chủ thể khác.
Xem thêm: Thủ tục Bảo hộ nhãn hiệu của Suntrust
Nội dung của nguyên tắc cân bằng lợi ích
* Quyền sở hữu trí tuệ không xâm phạm tới lợi ích chung, không vi phạm pháp luật khác
Đây là một quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng đất nước không chỉ riêng Việt Nam mà đối với mọi quốc gia, vùng lãnh thổ, dân tộc với nội dung chủ yếu như sau:
- Quyền SHTT không xâm phạm tới an ninh, quốc phòng, chính trị. Vì những lĩnh vực này là nền tảng phát triển cho các lĩnh vực khác. Đất nước mà hỗn loạn thì kinh tế, xã hội, văn hóa đều đi xuống. Vì vậy, không thể công nhận nhãn hiệu “đường lưỡi bò”, tác phẩm xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, xuyên tạc lịch sử,…;
- Quyền SHTT không xâm phạm tới đạo đức, thuần phong, mỹ tục, trật tự công cộng, văn hóa của dân tộc. Bởi vì văn hóa là nguồn cội, là gốc rễ của dân tộc, là đặc điểm để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Trong mọi thủ tục đăng ký ghi nhận, công nhận quyền SHTT của Việt Nam, ngôn ngữ bắt buộc là tiếng Việt. Không công nhận các tác phẩm đồi trụy, lai căng, không bảo hộ cho các sáng chế gây hại cho con người,…;
- Quyền SHTT không vi phạm pháp luật khác. Điều này nhằm đảm bảo tính phân cấp, phân quyền, giảm thiểu sự chồng chéo, bất cập, không tạo thêm các vấn đề không cần thiết trong việc bảo hộ quyền SHTT tránh gây lãng phí nguồn lực chung.
*Quyền sở hữu trí tuệ bị giới hạn về thời gian bảo hộ
Tùy từng loại TSTT mà thời gian bảo hộ là khác nhau, nhưng có điểm chung là không có bất kỳ loại nào được bảo hộ vĩnh viễn, khi một TSTT không còn là đối tượng của quyền SHTT (tức không còn được bảo hộ) thì mọi chủ thể trong xã hội đều có thể khai thác lợi ích kinh tế mà TSTT một cách tự do trong khuôn khổ.
*Quyền sử dụng tài sản trí tuệ được chia sẻ cho nhiều chủ thể khác trong các trường hợp đặc biệt
Về nguyên tắc khi có quyền SHTT thì chủ sở hữu là chủ thể duy nhất thực hiện toàn bộ quyền đó. Những chủ thể khác muốn được sử dụng cần phải trả tiền, xin phép hoặc bất cứ cách nào khác mà được chủ sở hữu cho phép. Có những ngoại lệ trường hợp các cá nhân yếu thế, khó khăn trong việc tiếp cận và khai thác TSTT hoặc những trường hợp bức thiết đe dọa đến tình hình an ninh, trật tự chung, hoặc nghiên cứu khoa học,… thì các chủ thể đó sẽ được quyền sử dụng TSTT. Ngoài ra có những trường hợp được quyền sử dụng phải đảm bảo việc khai thác TSTT một cách ổn định cho chủ sở hữu.
*Thực tiễn áp dụng nguyên tắc tại Việt Nam
Tại Điều 7 Luật SHTT Việt Nam quy định như sau:
“1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật này.
2. Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và không được vi phạm quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
3. Trong trường hợp nhằm bảo đảm mục tiêu quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội quy định tại Luật này, Nhà nước có quyền cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp; việc giới hạn quyền đối với sáng chế thuộc bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”
Điều 7 quy định các giới hạn chung đối với quyền SHTT, nhưng tinh thần chung vẫn nhằm bảo đảm nguyên tắc cân bằng lợi ích bằng cách chia sẻ quyền sử dụng của chủ sở hữu cho các chủ thể khác trong một số trường hợp đặc biệt.
Khoản 1 Điều 8 Luật SHTT Việt Nam nhấn mạnh nguyên tác đảm bảo hài hòa lợi ích giữa chủ sở hữu và chủ thể khác:
“1. Công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh.”
Điều 27, 34, 93 và 169 quy định về thời hạn bảo hộ của các loại TSTT khác nhau. Về chi tiết nội dung, Suntrust xin hẹn Quý bạn đọc ở những bà i viết của các số sau.
Ý nghĩa của nguyên tắc cân bằng lợi ích
Có một số lợi ích chủ yếu của nguyên tắc này như sau:
- Chủ sở hữu được khuyến khích sáng tạo thông qua các quyền bảo hộ hợp lý. Mặc dù quyền của chủ sở hữu bị giới hạn, nhưng chỉ là phạm vi nhỏ và trong những trường hợp hy hữu, quyền khai thác lợi ích kinh tế vẫn được đảm bảo nên đủ để khuyến khích phát huy tính sáng tạo;
- Tạo môi trường phát triển chung cho xã hội khi mọi người được tiếp cận, học hỏi và tiếp tục sáng tạo dựa trên nền tảng tri thức đã có;
- Tạo nên lợi thế cạnh tranh lành mạnh thông qua cơ chế điều chỉnh của nhà nước. Chủ sở hữu nắm độc quyền “công nghệ lõi” là nắm trong tay lợi thế then chốt để cạnh tranh. Có rất nhiều ví dụ thực tế như nước giải khát coca cola, công nghệ sản xuất chip bán dẫn, tàu ngầm, công nghệ khai thác năng lượng hạt nhân,… Qua nguyên tắc cân bằng lợi ích, pháp luật cho phép các đối thủ có được nắm được thông tin về công nghệ đó, họ sẽ ra sức nâng cấp TSTT đã được “chia sẻ” để cạnh tranh, khi đó sự phát triển được đẩy lên cao;
- Quyền con người được đảm bảo hơn. Khi muốn sử dụng TSTT, xã hội phải trả tiền, đây là sự đền đáp xứng đáng công sức của chủ sở hữu đã bỏ ra. Nhưng đối với nhóm người yếu thế, nguyên tắc này góp phần giúp họ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và sử dụng chúng.
Nguyên tắc cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền SHTT vừa là nền tảng để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho chủ thể sáng tạo, vừa là cơ sở để hài hòa hóa quyền tiếp cận tri thức và lợi ích cộng đồng. Việc duy trì sự cân bằng này giúp hệ thống pháp luật về SHTT trở nên công bằng, bền vững và phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Trong bối cảnh công nghệ và tri thức không ngừng phát triển, việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo hộ, đồng thời đảm bảo sự tiếp cận hợp lý cho cộng đồng, chính là chìa khóa để thúc đẩy sáng tạo, lan tỏa tri thức và phát triển bền vững.
Trên đây là bài viết về nguyên tắc cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền SHTT, chân thành cảm ơn Quý bạn đọc đã theo dõi.
Để biết thêm thông tin chi tiết về các thủ tục, dịch vụ vui lòng liên hệ Suntrust để được tư vấn và hỗ trợ.