Quy định về bảo hiểm thất nghiệp năm 2025

Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chế độ bảo hiểm bắt buộc trong hệ thống an sinh xã hội, được pháp luật Việt Nam quy định nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi bị mất việc làm. Không chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ thu nhập tạm thời, chế độ này còn góp phần nâng cao khả năng tái tham gia thị trường lao động thông qua các chính sách hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ tổng hợp đầy đủ quy định về bảo hiểm thất nghiệp theo pháp luật hiện hành, giúp người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tra cứu và thực hiện đúng quy định.

Bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp là gì?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013, “bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.”

Có thể thấy, bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách an sinh xã hội, nhằm hỗ trợ người lao động khi không may mất việc làm, đồng thời khuyến khích sự chủ động của người lao động trong việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Đây là một hệ thống bảo hiểm mang tính chất bồi thường, trong đó người lao động và người sử dụng lao động cùng đóng góp vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để tạo ra nguồn tài chính hỗ trợ trong trường hợp người lao động bị mất việc.

Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm:

(1) Những người làm công ăn lương, căn cứ theo khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013 thì đây là những người lao động khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng việc làm: Không xác định thời hạn/Xác định thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên(Theo Bộ Luật Lao động 2019 hợp đồng lao động theo mùa vụ đã bị bãi bỏ).

* Trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động cùng một thời điểm thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

(2) Người sử dụng lao động (theo pháp luật lao động trừ 1 số trường hợp), đơn vị sử dụng viên chức; cứ khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm 2013 gồm:

– Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân;

– Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;

– Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; + Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác

– Cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động đã nêu.

Người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực.

Như vậy, căn cứ vào Điều 43 Luật Việc làm 2013 ta có thể thấy một số đối tượng không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp như người lao động đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình, lao động có thu nhập thấp, lao động tạm thời, cán bộ, công chức… Điều này cũng có thể được lý giải trên bản chất của bảo hiểm thất nghiệp là nhằm bảo trợ, trợ giúp tài chính cho người lao động ổn định đời sống do thất nghiệp trong khi những đối tượng như người lao động đang hưởng lương hưu dù bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng việc làm thì thực tế họ vẫn đã được hưởng 1 khoản tiền (lương hưu) được chi trả bởi nhà nước; cán bộ, công chức là những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong biên chế được hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập(không phải làm việc theo hợp đồng lao động); còn lại một phần là do điều kiện làm việc đặc biệt hoặc ít liên hệ với lực lượng lao động…

Xem thêm: Dịch vụ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp

Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thỏa mãn 4 điều kiện (Điều 49 Luật Việc làm 2013):

(1) Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp:

– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

– Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

(2) Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp

Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động xác định thời hạn/không xác định thời hạn.

Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng (hợp đồng lao động theo mùa vụ đã bị bãi bỏ)

*Lưu ý:

– Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng trợ cấp thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục, được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp

– Tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.

(3) Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập;

*Lưu ý: Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.

(4) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp:

– Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

– Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

– Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

– Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

– Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Chết.

Thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp

(1) Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP), hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm các giấy tờ sau:

– Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu);

– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ:

+ Hợp đồng lao động đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc.

+ Giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động.

+ Quyết định thôi việc.

+ Quyết định sa thải.

+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

+ Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

+ Xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

– Sổ bảo hiểm xã hội.

– 2 ảnh 3×4

– Căn cước công dân, sổ hộ khẩu/sổ tạm trú photo nếu nộp hồ sơ hưởng tại nơi cư trú và kèm theo bản gốc để đối chiếu

(2) Trình tự thực hiện

Bước 1: Nộp hồ sơ đến Trung tâm Giới thiệu việc làm

Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hay hợp đồng làm việc thì người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ cho Trung tâm giới thiệu việc làm/ trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Bước 2. Thời hạn giải quyết hồ sơ

– Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động chưa tìm được việc làm thì đến Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) thực hiện xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

– Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, TTGTVL ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo sổ BHXH có xác nhận trả cho người lao động (NLĐ).

– Trường hợp NLĐ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì TTGTVL phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

– Thời điểm tính hưởng trợ cấp thất nghiệp: Ngày thứ 16 tính từ ngày nộp hồ sơ.

Bước 3. Nhận tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp

Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ thời điểm có quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan BHXH tại địa phương thực hiện chi trả tiền trợ cấp tháng đầu cho NLĐ kèm theo thẻ BHYT.

Hàng tháng, cơ quan BHXH thực hiện chi trả trợ cấp TN trong vòng 12 ngày tính từ ngày hưởng trợ cấp TN tháng đó nếu không  nhận được quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ.

Bước 4: Thông báo tìm việc hàng tháng của NLĐ

Hàng tháng NLĐ phải đến Trung tâm dịch vụ việc làm thông báo về việc tìm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo đúng lịch hẹn kèm theo Quyết định trợ cấp thất nghiệp).

Nếu như người đang hưởng trợ cấp BHTN có việc làm mà không thông báo có thể bị xử lý vi phạm hành chính. 

Quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp

(1) Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:

– Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp;

– Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa:

+ Không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (Không quá 7.450.000 đồng) hoặc;

+ Không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (Không quá 23.400.000 đồng đối với vùng I; không quá 20.800.000 đồng đối với vùng II; không quá 18.200.000 đồng đối với vùng III; không quá 16.250.000 đồng đối với vùng IV).

(2) Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp 

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp:

– Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp;

– Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

(3) Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp 

Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

(Điều 50 Luật việc làm 2013)

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Suntrust để được tư vấn và hỗ trợ.

Related Posts

Leave a Reply

Facebook Zalo Hotline